1. Điều kiện tự nhiên:

- Vị trí địa lý: Phường Tân Giang có vị trí có toạ độ 18020’35’’vĩ độ Bắc, 105054’21’’ kinh độ Đông. Phía Bắc và phía Đông phường Tân Giang giáp phường Thạch Quý, phía Nam giáp phường Văn Yên, Nam Hà, phía Tây giáp phường Bắc Hà, Nam Hà. Phường Tân Giang ở vị trí trung tâm thành phố.

- Diện tích 97.34 ha

- Khí hậu: Phường Tân Giang nằm trong vùng khí hậu của các tỉnh Bắc Trung Bộ, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa hai vùng khí hậu Bắc – Nam, nhiệt đới gió mùa. Mặt khác thời tiết hàng năm chia thành hai mùa rõ rệt, đây là một trong những vùng có mưa nhiều, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2660mm. Mùa lạnh kéo dài từ đầu tháng 12 năm này đến tháng 3 của năm sau. Nhiệt độ trung bình trong mùa lạnh là 170C, nhiều năm nhiệt độ thấp từ 100C đến 130C. Mùa nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình trong mùa nắng là 300C, khi cao nhất lên tới 37-390C.

- Dân số: 7000 người (1702 hộ dân) được phân bổ tại 8 tổ dân phố.

- Đảng viên: Đảng bộ phường Tân Giang có 595 đảng viên sinh hoạt tại 12 chi bộ trực thuộc và có 651 đảng viên sinh hoạt theo quy định 213 của trung ương.  

2. Di tích, danh thắng:

a. Di tích Võ Miếu

         Di tích lịch sử văn hóa Võ Miếu (Đền Võ Miếu) hay còn gọi là Quan Thánh Miếu là một di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Theo sử sách ghi lại thì Đền được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). Buổi đầu Võ Miếu chỉ là ngôi nhà gỗ lợp tranh. Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) Vũ Hiển đại học sĩ, Liên Đình đại nhân phủ dụ cho quan Đốc học Kinh Xuyên là Phan Tiên Sinh trùng tu và xây mới Võ Miếu. Nhưng hơn 20 năm sau thì bị hư hỏng, cũ nát. Đầu năm Khải Định thứ 7 (1922), Đền Võ Miếu mới được tu bổ và mở rộng thêm. Năm 2010 và năm 2017 di tích Võ Miếu đã tu bổ, tôn tạo để có cảnh quan như ngày hôm nay.

          Di tích Võ Miếu thờ Quan Thánh. Ông là một tướng có tài mưu lược, khí phách anh hùng và rất mực trung nghĩa. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh nên một số bài vị, tự khí của một số di tích xung quanh đều được tập trung về thờ tại di tích Võ Miếu. Do đó, Võ Miếu không chỉ thờ Quan Thánh mà còn thờ tự cả Thành hoàng, thổ thần, Phật Thích Ca, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn… của một số đền, chùa trên các phố phường thành phố Hà Tĩnh.

          Võ Miếu được xây dựng quy mô lớn trên diện tích 70mx44m, cấu trúc theo kiểu chữ “Môn”, với cổng Tam quan, hai tòa nhà Hạ và Thượng điện, quay hướng Nam. Các bộ phận nội ngoại thất liên hoàn chặt chẽ, đăng đối và hài hòa. So với nhiều di tích trên địa bàn Hà Tĩnh, cổng Tam quan Võ Miếu có quy mô và kiến trúc đẹp trong một không gian ba chiều, vừa tách bạch vừa liên hoàn và trang nghiêm. Hai bên cổng có hai cột nanh to, trên đỉnh đắp hai con nghê đang chầu. Cổng có 3 cửa ra vào, phía trên được trang trí mặt hổ phù, chim phượng cuốn thư, phía dưới có đề 3 chữ “Quan Thánh từ” và câu đối. Nhà Hạ điện dài 10.6m, rộng 8.7m với 3 gian xây tường bao quanh. Cửa chính hình vòm cung, trên có 3 chữ Hán “Trạc quyết linh”. Hai cửa bên cấu trúc giống nhau, trên đề hai chữ Hán “Trung Can” và “Nghĩa Khí”. Xung quanh treo nhiều biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc một số chữ Hán. Nhà Thượng điện là một ngôi nhà chồng diêm 8 mái, gian giữa có một hương án sơn son trang trí đẹp, phía trên bài trí các đồ thờ, tiếp đến là bệ long ngai đặt 4 pho tượng bằng gỗ sơn son đó là tượng Quan Công (chính giữa) xung quanh là tượng Quan Bình (con nuôi Quan Thánh), Châu Xương (Tướng của Quan Thánh) và Trần Hưng Đạo.

          Ngoài kiến trúc nghệ thuật độc đáo, việc tôn thờ một dũng tướng có tài mưu lược và trung nghĩa đã làm cho Võ Miếu trở thành di tích văn hóa giàu ý nghĩa lịch sử và nhân văn, là địa chỉ tâm linh của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân trong tỉnh, thành phố, phường Tân Giang nói riêng. Năm 1996, Võ Miếu đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

b. Hào Thành

Theo các nguồn tư liệu để lại, Thành Hà Tĩnh được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Năm Tân Mão 1831, vua Minh Mệnh (thứ 12) quyết định cắt hai phủ Đức Thọ và Hà Hoa của Nghệ An thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Tháng giêng năm Quý Tỵ 1833 tức hơn 2 năm sau lập tỉnh, triều đình mới chọn đất vùng Trung Tiết để xây thành Hà Tĩnh (gọi tắt là tỉnh thành). Tháng sáu năm Quý Sửu 1853 (tức 22 năm sau khi lập tỉnh), Tự Đức (thứ 6) lại bỏ tỉnh cho sát nhập vào Nghệ An, lập lại đạo Hà Tĩnh. Tỉnh thành mới xây bằng đất lại bỏ trống, hoang phế, đạo thành dời về chỗ cũ (xã Đại Nài). Năm Ất Hợi 1875 (cũng một chu kỳ 22 năm), Tự Đức (thứ 28) lại bỏ đạo, lập lại tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh thành trở về chỗ cũ (xã Trung Tiết) phường Tân Giang ngày nay. Năm Tân Tỵ 1881 (tức 6 năm sau tái lập lại tỉnh), Tự Đức (thứ 34) thành Hà Tĩnh mới được xây kiên cố bằng gạch và đá ong. Thành xây theo kiểu Vôbăng có mặt phẳng và gấp khúc theo hình chữ V để có thể đứng trên mặt thành bắn thẳng xuống chân thành khi bị đối phương áp sát. Chu vi thành 366 trượng 5 thước, 6 tấc, cao 8 thước (3,2m), xung quanh thành có hào rộng 5 trượng (20m) sâu 4 thước (1,6m) chiếm một diện tích gần 134.000m2, nếu kể cả phía ngoài hào thành là 160.000m2. Thành có bốn cửa (Tiền, Hậu, Tả, Hữu), các cổng thành xây bằng gạch khá kiên cố. Từ các cổng thành có các cầu bằng gạch xây cuốn vượt qua hào thành ra ngoài. Theo cuốn Hà Tĩnh - Thành Sen 160 năm “ở đây có truyền thuyết rằng: xưa kia ở Đạo thành Đại Nài có nhiều sen. Một đêm mưa to gió lớn, người dân địa phương và quan lại tỉnh hết sức ngạc nhiên vì thấy sen mọc đầy trong Hào Thành. Tỉnh thần cho đó là “điềm lành”, bèn tâu xin nhà vua cho dời tỉnh thành về lại Trung Tiết. Từ đó, ngoài tên gọi Tỉnh Thành, người ta còn gọi vùng đất này là “Liên Thành, Thành Sen”. Có người lại cho rằng, kiểu thành Vôbăng trông giống như bông sen tám cánh, nên gọi như thế. Thành Nghệ An (Thành Vinh) cũng xây kiểu Vôbăng nhưng người ta lại cho là giống con rùa nên gọi là Quy Thành (Thành Rùa).  Đây là vùng đất có địa thế cao ráo, rộng rãi, đàng trước có núi Cảm Sơn, lại có một dải sông dài chảy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên nối với sông Nại Giang, dưới chảy ra Cửa Sót, nên triều Nguyễn có ý định xây dựng Thành Hà Tĩnh thành một cố đô Huế thu nhỏ. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), nhà vua cho đào sông Kinh Hạ phía Nam Thành, kiểu như sông An Cựu (phía Nam thành phố Huế). Năm Khải Định thứ 7 (1922) lại đào tiếp đoạn từ làng Tiền Bạt đến khu phố Hoàn Thị (được gọi là sông Tân Giang). Tuy nhiên, sự nghiệp đào sông của vua chúa Triều Nguyễn còn dỡ dang nên người dân Thành Sen bấy giờ gọi con sông này là sông Cụt.

Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, thành Hà Tĩnh và các công trình kiến trúc trong thành đều bị phá hủy. Từ đó, cùng với thăng trầm của lịch sử những dấu tích của thành Hà Tĩnh dần dần bị mất đi, Hào Thành còn lại phía Bắc, phía Đông và một phần phía Nam.

c. Khu lưu niệm Hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh

Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892, tại thôn tiền bạt, xã Trung tiết, huyện Thạch Hà (nay là phường Tân giang, Thành phố Hà Tĩnh). Thời niên thiếu, được gia đình cho theo học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Hơn mười tuổi, cậu bé Chánh đã nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ và viết chữ Thảo đẹp. Năm 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên phụ giúp gia đình nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ và tranh cuộn bán tại các phiên chợ quê. Cùng với đam mê cháy bỏng về nghệ thuật thư pháp, hình ảnh về miền quê nghèo và cuộc sống nông thôn Việt Nam in dấu trong tâm trí của Nguyễn Phan Chánh, để rồi sau này trở thành một "nỗi ám ảnh nghệ thuật", in dấu trong tất cả sáng tác của ông về sau này.

Năm 1922, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế nhưng không theo nghề dạy học. Năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (một thành viên của Đại học Đông Dương) chiêu sinh khoá đầu tiên, Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất thuộc dải đất miền Trung đỗ vào khoá 1 (1925 - 1930). Cùng vào học với cậu sinh viên Chánh năm đó còn có 7 sinh viên khác, gồm: Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Trung, George Khánh…Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác các tranh sơn dầu: "Mẹ bầy cho con đan len", "Hai vợ chồng người nông dân trục lúa".

Mong muốn ban đầu của những người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là đào tạo những thầy giáo dạy vẽ cho học trò các trường kỹ thuật, trường dạy nghề và trường trung học phổ thông tại xứ thuộc địa. Ba năm đầu, các sinh viên khoá 1 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được tiếp cận theo một chương trình "hoàn toàn Pháp", với kỹ thuật và phương pháp tạo hình phương Tây. Suốt thời gian ở Việt Nam, với nhãn quan của một người biết trân trọng giá trị nghệ thuật bản địa truyền thống, năm 1929, lần đầu tiên ông Hiệu trưởng Victor Tardieu đã đưa nghệ thuật vẽ tranh lụa vào giảng dạy tại nhà trường. Đó cũng chính là lần đầu tiên, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phan Chánh tiếp xúc với nghệ thuật vẽ trên lụa. Mối duyên kết se tên tuổi Nguyễn Phan Chánh cùng dòng tranh lụa Việt Nam cũng được tạo dựng từ đó. Chính ông hiệu trưởng Victor Tardieu là người vốn không đánh giá cao khả năng vẽ tranh sơn dầu của Nguyễn Phan Chánh nhưng đã thật sự bị khuất phục bởi khả năng vẽ lụa điêu luyện của cậu sinh viên này.

Trong tất cả các sáng tác của Nguyễn Phan Chánh, mỗi tác phẩm đều có một bài thơ viết kiểu chữ Thảo rất đẹp bên cạnh. Thơ, họa và thư pháp luôn song hành cùng nhau, hỗ trợ và tôn lên vẻ đẹp của nhau trong mỗi bức tranh của ông. Nguyễn Phan Chánh là họa sĩ Việt Namduy nhất ưa dùng chữ Nho trong tất cả các tác phẩm của mình. Trong tranh của Nguyễn Phan Chánh thì hội họa mô tả đề tài của tranh, thi ca nói về tâm sự của người họa sĩ. Đôi khi thơ trên tranh của Nguyễn Phan Chánh còn mang một giá trị độc lập, không liên quan nhiều đến nội dung tranh. Nguyễn Phan Chánh gợi cho người ta nhớ đến những mẫu mực của nghệ thuật cổ điển phương Đông và phương pháp tạo hình phương Tây. Ông được xem là một hiện tượng khá đặc biệt của nên hội họa Việt Nam, thành công vang dội ngay từ tác phẩm đầu tiên. "Chơi ô ăn quan" - tác phẩm đầu tay của ông đã trở thành một trong những mẫu mực của hội họa Việt Nam.

Là một họa sĩ được đào tạo bài bản theo chương trình của Châu Âu nhưng tâm hồn Việt và tính cách Việt trong con người Nguyễn Phan Chánh không bị "đồng hoá". Nguyễn Phan Chánh tiếp nhận ảnh hưởng ở nghệ thuật tạo hình phương Tây khi xây dựng tác phẩm của mình nhưng nội dung của tác phẩm thấm đượm tinh thần phương Đông. Nông thôn Việt Nam là mảng đề tài lớn, bảo lưu nhiều hơn cả những tinh hoa của dân tộc thể hiện qua những nét sinh hoạt, những tập tục và cảnh trí thiên nhiên. Phương thức chọn nhân vật của Nguyễn Phan Chánh là một lối thể hiện tính cách của ông. Ông thường tập trung vẽ phụ nữ, trẻ em với những cảnh sinh hoạt thường nhật của nông thôn Việt Nam... Đó chính là mảng đề tài được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh những năm 1930 đến 1945. "Chơi ô ăn quan", "Em bé cho chim ăn", "Đi cày", "Đi cấy", "Rửa rau cầu ao", "Lên đồng", "Trốn tìm", "Chim sổ lồng", "Chị em đùa cá",… là những tác phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian, được sáng tác trong thời kỳ này. Tranh của ông chứa đựng sự sung mãn và biến ảo trong từng nét vẽ. Ông đặc biệt chú ý đến đến cách làm dịu tan hình thể trên nền phẳng, tạo ra sức khái quát cao. Tranh của Nguyễn Phan Chánh thường sử dụng các màu: nâu, đen, trắng vỏ trứng, xám, đỏ bã trầu,… Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong tranh ông điêu luyện đến độ tạo cảm giác như có sự chuyển động giữa đối tượng và nền, ngăn bởi những nét buông mảnh và dịu.

Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Phan Chánh trở về quê hương, là Uỷ viên thường vụ Hội Văn hoá Cứu quốc của tỉnh. Tuy phải xa những tấm lụa thân yêu của mình, vì trong vùng kháng chiến nơi họa sĩ ở bấy giờ, không có lụa dùng cho tranh nhưng với tinh thần kháng chiến cứu nước và nghệ thuật vẽ tranh dân gian, Nguyễn Phan Chánh đã vẽ tranh cổ động và áp phích về đề tài chống thực dân. Trong thời gian này ông đã vẽ hình của rất nhiều các lãnh tụ và các chiến sĩ cộng sản: Nguyễn Ái QuốcLê Hồng PhongNguyễn Thị Minh KhaiTrần Phú. Trong chín năm tham gia kháng chiến, hoạ sĩ đã vẽ tranh tuyên truyền cổ động: "Em bé tẩm dầu", (1946), "Phá kho bom giặc" (1947), "Lội suối", (1949).

Sau hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội, trở về với những vuông lụa. Những năm tháng sau ngày Hà Nội được tiếp quản, Nguyễn Phan Chánh liên tục sáng tác, với số lượng tranh gấp nhiều lần những năm đầu sáng tác. Tranh của ông sau này xuất hiện nhiều nhân vật hơn, màu sắc được nới rộng và sáng hơn. Các màu xanh lục tươi, xanh lam tươi, đỏ tươi xuất hiện. Hình ảnh những người nông dân trong tranh của ông được nhìn từ góc độ mới với một thế giới quan mới. Từ năm 1955 đến những năm 1970 sau này, bút pháp tả thực của Nguyễn Phan Chánh được trang bị thêm những nguyên lý của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. "Trăng tỏ", "Trăng lu, "Chiều về tắm cho con", "Sau giờ trực chiến", "Đi chống hạn, "Đan mây", "Bữa cơm mùa thắng lợi",… là những tác phẩm được ông sáng tác trong thời kỳ này.

Với những thành tựu vang dội trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại một số trường học, trong đó có Trường Bưởi và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1955). Bằng những kinh nghiệm và sự nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này.

Tháng 8 và tháng 9 năm 1982, mừng thọ hoạ sĩ 90 tuổi, Bộ Văn hoá Việt Nam cùng Bộ Văn hoá Tiệp Khắc, Bộ Văn hoá Hungary tổ chức triển lãm 47 tác phẩm của các thời kỳ sáng tác của Nguyễn Phan Chánh tại PrahaBratislavaBudapestBucharestTháng 7 năm 1983, phòng tranh Nguyễn Phan Chánh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Phương Đông ở Moskva

Nguyễn Phan Chánh mất năm 1984, được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao độnghạng 3, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Mỗi tác phẩm của ông đều gợi nhắc tên người sáng tác - Nguyễn Phan Chánh - cùng trường phái tranh lụa Việt Nam. Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong của ông trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

d. Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Ngày 15/6/1957 Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, sáng sớm Bác Hồ đến thành phố Hà Tĩnh trước sự chờ đợi của đông đảo cán bộ và nhân dân, sau đó Bác đến dự hội nghị Mặt trận và nói chuyện với 2000 cán bộ đảng viên. Buổi chiều cùng ngày Bác ra cầu ao Sen rửa chân và đứng trên cầu ao nói chuyện với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bác thăm vườn và làm việc với cơ quan tỉnh uỷ, Bác ân cần nhắc nhở những việc cần làm và khen ngợi những việc làm hay làm tốt của cơ quan. Đúng 2 giờ chiều ngày 15-6-1957, Bác Hồ rời thị xã Hà Tĩnh trong niềm vui lưu luyến của đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh. Đó là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng những tình cảm quý báu của Người với quê hương Hà Tĩnh. Tại thành phố Hà Tĩnh, những di tích lưu niệm của Bác vẫn được nâng niu gìn giữ, như những báu vật và đang được chăm sóc tu bổ ngày càng khang trang. Hồ sen và cầu ao nơi Bác rửa và đứng nói chuyện với đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giữ nguyên, tôn tạo thành một cảnh quan đẹp và trang nghiêm, đến mùa sen nở, hương thơm ngát một vùng. Nơi Bác nghỉ trưa và nói chuyện với bộ đội đơn vị E 812 được dựng bia lưu niệm bằng đá hoa cương bốn mặt đặt trên cánh sen cách điệu, ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 và những lời dạy của Người với cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Toàn bộ khu di tích rộng hơn 10.000m2 được bao quanh bằng hàng rào. Đây là trung tâm thị xã Hà Tĩnh được quy hoạch bởi hai công trình văn hoá là Thư viện và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Xung quanh di tích là các cơ quan Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, khu quảng trường và một khu dân cư được quy hoạch hài hoà, thoáng đãng và đẹp mắt. Năm 2005, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư tu bổ tôn tạo lại khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Tại đây, tượng Bác Hồ được đặt ở nơi trang nghiêm nhất, hồ sen được tôn tạo lại, có đài phun nước, có cầu ao… trở thành một khu di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia của tỉnh. Đây là nơi để nhân dân địa phương nhân những ngày lễ lớn đến thắp hương tưởng niệm Bác.Mỗi gốc cây, ngọn cỏ ở đây như vẫn lưu lại hình bóng Bác năm xưa và như vẫn nhớ lời căn dặn của Bác: "Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên!". Ghi nhận lời Bác, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đang ngày đêm ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh.

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 294.429
Online: 54
ipv6 ready